Những quán bên cạnh khép kín cửa, không một bóng người, ngay cả hiên nhà cũng phủ bạt nhựa màu đen che chắn. Một người dân sống gần đó tiết lộ, mỗi quán đều có một phụ nữ từ nơi khác đến bán cà phê, nước giải khát. Chủ quán không ló mặt ra ngoài, không giao du với người địa phương.
Chúng tôi gật đầu, chị A. thở dài, đan hai bàn tay lại với nhau, rồi nói tiếp: “Cà phê “cô đơn” chỉ có một người làm chủ kiêm luôn tiếp viên. Khách đến, tôi lầm lũi phục vụ. Cuộc “mây mưa” kết thúc thì hai bên không còn liên quan nữa. Cả cái tên trên bảng hiệu cũng không phải tên tôi. Khách đến yêu cầu thế nào thì tôi phục vụ kiểu ấy, mát –xa hay từ A đến Z đều đáp ứng. Nếu khách nhìn không đàng hoàng, có linh cảm không tốt, tôi từ chối khéo”.
Trong lúc chị nhìn vô định ra con đường trước mặt, chúng tôi đưa mắt quanh một lượt căn nhà. Một kệ bằng sắt được bày biện đầy đủ các loại nước giải khát, nước suối đặt song song với một vách ngăn bằng ván ép. Bên trong vách ngăn có một tấm nệm đặt dưới đất, nhàu nát cũ kỹ. Khoảng hẹp phía trước, chị bày hai bộ bàn ghế nhựa cho khách ngồi uống nước. Mọi thứ đều chìm trong khoảng tối sâu hun hút. Phía khoảng tối ấy, mỗi ngày là những cuộc ngã giá diễn ra, là những tiếng thở dài của người phụ nữ, và là cả “điểm đen” nhức nhối của xã hội.